Tâm sự vô lối của kẻ vô lối từ trường Viết văn Nguyễn Du

Vũ Gia Hà

Vũ Gia Hà

Tôi viết những dòng này gửi đến các bạn có ý muốn theo đuổi văn chương, báo chí. Những tâm sự này, tôi viết khi chuẩn bị ra trường vào hồi tháng 6 năm 2013, được cả lớp giao trọng trách, để nói lên tiếng nói của những sinh viên viết văn trước ngưỡng cửa cuộc đời. Và tôi đã đọc trước lớp, trước các thầy cô – những tên tuổi của văn đàn Việt Nam đương đại.

Lớp Viết văn K12 và những tâm sự vô lối 

Vậy là đã bốn năm trôi qua. Mới ngày nào thôi, ngày ấy, tôi – một thằng mới lớn rời xa gia đình. Vì vậy tôi rất bỡ ngỡ, hồn nhiên, thậm chí là hồ đồ khi đặt chân vào ngôi trường Viết văn Nguyễn Du. Ở đây, xin cho tôi không gọi là Khoa Viết văn – Báo chí trực thuộc trường Đại học Văn hóa Hà Nội, bởi với tôi, sẽ vinh hạnh biết bao khi vẫn được gọi là cựu sinh viên trường Viết văn Nguyễn Du danh tiếng khi ra trường.

Đến giờ phút này, khi đã cầm trên tay tấm bằng cử nhân Viết văn, tôi vẫn còn nhớ như in khoảnh khắc nhận được giấy trúng tuyển và rồi là giấy báo đỗ Đại học. Những khoảnh khắc ấy mãi mãi không bao giờ rời khỏi tâm trí tôi. Nếu chẳng may bị vấn đề trí nhớ, thì tôi tin chắc rằng, nó vẫn nằm sâu đâu đó mà theo Phân tâm học của Freud gọi là vô thức. Và chúng tôi, mười chín con người, sẽ bị một vô thức tập thể mới, vô thức Viết văn K12 sau bốn năm học với biết bao kỷ niệm vui buồn.

Tôi đã từng nói vui với mấy bạn lớp rằng, nếu sau này, được may mắn như bao người đàn ông khác, có con, tôi sẽ gả con tôi cho con bạn tôi. Nói thế để thấy rằng, ngôi trường Viết văn Nguyễn Du không những cho chúng tôi thêm yêu về văn chương mà còn cho chúng tôi biết yêu thương lẫn nhau. Tình yêu này, tôi dám chắc là khó có sinh viên chuyên ngành khác có được. Chắc cũng có lẽ chúng tôi là những người dễ nhạy cảm. Nên khi bạn tôi đau, tôi lại cảm thấy lo. Và tôi, không khác gì người ruột thịt của họ, chỉ hết buồn thảm đến khi nào họ qua cơn đau.

Và chúng tôi đã vượt qua được những cơn đau ấy nên đến giờ phút này, trên khuôn mặt ai cũng có nụ cười trọn vẹn. Song, trong tâm khảm họ là sự giằng xé và cô đơn tột cùng. Có bạn nói với tôi, họ muốn được học lại năm nữa. Tôi bảo thế thì xin thầy Văn Giá học lại lớp Viết văn K13 đi. Nhưng bạn ấy nhất quyết bảo không. Bạn ấy nói rằng, muốn cùng cả lớp học lại. Tôi bảo bạn ấy khùng. Nói vậy thôi, tôi cũng muốn thế lắm! Nhưng cuộc sống không cho ta khùng kiểu như vậy. Thật tiếc!

Học viết văn trong thời buổi kinh tế thị trường này liệu có thể sống được không? Tôi bảo sống được. Nhưng chỉ sống được một mình trong căn phòng trọ chật chội ở đất ngoại thành Hà Nội thôi. Muốn sống nhờ vào viết lách thì bạn cần phải làm báo. Mà nghề báo thì chúng ta đã biết, có “muôn hình vạn trạng”. Và cũng như nghề viết văn, người làm báo chân chính cũng chỉ sống đủ nếu chăm chỉ.

Như vậy, việc nhờ vào công cụ ngòi bút, mà bây giờ đa số dùng bàn phím khó có thể cạnh tranh được với các nghề khác. Song, sinh ra có năng khiếu nghệ thuật đã là điều may. Được theo đuổi nó đến cùng thì thật may biết mấy. Bởi, nếu cuộc sống không có những người có năng khiếu nghệ thuật thì làm sao loài người có thể có những giá trị tinh thần tốt đẹp được. Làm sao chúng ta biết trân trọng nhau, vì nhau và đùm bọc lẫn nhau.

Giờ đây, tôi, một mặt cố gắng làm sao sống được để theo đuổi đam mê; mặt khác, còn cố gắng làm sao mỗi ngày rong ruổi trên đất ngàn năm văn hiến này, khi trở về căn phòng trọ tồi tàn sẽ còn được nguyên vẹn thân thể. Bởi như chúng ta đã biết, chỉ cần một chút lơ là trên đường phố là chúng ta phải trả giá bằng cả mạng sống! Không những chiến tranh, thương trường mới có chiến trường mà đường phố của một đất nước hòa bình cũng là một chiến trường. Vậy nên tôi có một tuyên ngôn mới, tuyên ngôn vui thôi: Đường phố là chiến trường/ Trên giường cũng bị thương. Vậy đấy, sống được thành lão trong thời này thật khó!

Chúng tôi, những sinh viên Viết văn K12 đã ra trường, bỏ qua những lo toan mà tôi đã nói trên, thì cái trước mắt, cần thiết và bức thiết nhất là có một công việc đúng với năng lực và quá trình học tập của mình. Và rất may, tôi nhận ra trên mỗi khuôn mặt gầy, đôn hậu và lãng mạn kia là đôi mắt sáng và tự tin. Nhưng những điều đó cũng không khiến tôi thôi lo nghĩ:

“Cái thời năm nhất Viết văn

Trông ai cũng ngố như tằm ăn dâu

Gái trai không kể sang giàu

Bay theo chim bướm muôn màu cánh lông

Rồi sau ai sẽ là ông

Rồi sau ai sẽ tay không về vườn”.

Nhưng biết làm sao được! Chúng ta chỉ biết được duy nhất điều này:

“Cuối cùng tất cả chúng ta

Đều lên nóc tủ ngắm gà khỏa thân”.

(Nguyễn Bảo Sinh)

Quan niệm về văn chương

Với một sinh viên Viết văn vừa ra trường, lại vô danh tiểu tốt như tôi thì không thể nào có được cái “uy” để bàn về quan niệm văn chương. Nhưng hôm nay, lần cuối cùng, đang còn “mùi” sinh viên, nên tôi đã nhất quyết, may mắn và liều lĩnh nói lên quan niệm của mình về văn chương, trong khi văn chương vốn dĩ là cái nghề mà ai “dúng” tay vào cũng bị thôi miên bởi thế giới tinh thần thượng thặng mà nó mang lại. Tôi dám chắc, nếu ai đó, khi đã lao vào văn chương thì luôn mơ mình trở thành Văn hào, Thi hào, Thi bá. Và một kẻ bất tài, vô lối như tôi cũng có cái ao ước đấy. Tôi nói thẳng và thành thật như vậy!

Trước khi nói về quan niệm của mình. Tôi xin dẫn ra đây ít lời nhận xét của người xưa – những người vẫn được ca ngợi đến ngày hôm nay. Họ là cổ nhân Tàu. Theo họ, một tác phẩm văn chương để đời là một tác phẩm tạo được mối quan hệ cân bằng giữa khí và văn.

Tào Phi viết: “Văn lấy khí làm chủ; mà khí thì có loại trong, loại đục, không thể gắng sức mà đạt được. Ví như âm nhạc, tuy khúc phổ tương đồng, tiểu tấu cùng một phép tắc nhưng đến lúc vận hơi thì lại không đều nhau, khéo hay vụng là do tố chất tự nhiên quy định, dù là cha anh cũng không thể truyền dạy cho con em của mình được”.

Hàn Dũ viết: “Khí là nước, còn ngôn từ lại trôi nổi trong nước. Khi nước lớn tất cả mọi vật đều trôi nổi trên bề mặt. Quan hệ giữa khí và từ là như vậy. Khi khí đầy đủ thì sự ngắn dài của câu cũng như sự cao thấp của âm thanh, tất cả đều đi vào khuôn phép”.

Muốn cân bằng được khí và văn thì phải là người như thế nào đây? Có lẽ, chí ít phải là “người tài tình khoát đạt”, “mắt trông thường xa rộng”, “không phải người tầm thường theo kịp” như lời nhà bác học Lê Quý Đôn dạy. Như vậy mới biết văn chương hà khắc nhường nào. Viết văn để được người đời ca ngợi lại càng khó khăn vô vàn. Thiên tài như Nguyễn Trãi cũng chỉ nhận mình là khách văn chương:

“Mua được thú màu trong thuở ấy
Thế gian hay một khách văn chương”.

(Trần Tình 6)

Hay như Đại thi hào Nguyễn Du với thiên phẩm Truyện Kiều được thế giới biết đến cũng tự nhận tác phẩm của mình là:

“Lời quê chắp nhặt dông dài

Mua vui cũng được một vài trống canh”.

(Truyện Kiều)

Và từng lo sợ:

“Không biết ba trăm lẻ nữa

Người đời ai khóc Tố Như chăng?”.

(Độc Tiểu Thanh ký)

Với sự khiêm nhường trên của hai nhà thơ thiên tài dân tộc thì tôi còn biết nói được gì hơn. Như vậy, tôi sẽ không có quan niệm văn chương nào hết.

Để khép lại những lời dông dài, vô lối, tôi xin đọc một bài thơ thay cho lời cảm ơn đến các thầy cô: nhà phê bình Hoàng Ngọc Hiến, nhà văn Văn Giá, nhà văn Phạm Việt Long, nhà phê bình Đỗ Lai Thúy, nhà phê bình Chu Văn Sơn, nhà thơ Vũ Quần Phương, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, nhà văn Lê Minh Khuê, PGS-TS Đào Duy Hiệp, nhà nghiên cứu Nguyễn Phượng, nhà thơ Nguyễn Hữu Quý, nhà thơ Trương Đăng Dung, nhà thơ Phạm Đức, nhà văn Khuất Quang Thụy, nhà văn Sương Nguyệt Minh, nhà văn Võ Thị Hảo, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, nhà mỹ học Đỗ Văn Khang, PGS.TS Hán Nôm Phạm Văn Khoái, GS-TS Trần Nho Thìn, PGS-TS Trương Sỹ Hùng, Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Hậu… Và những người từng đến nói chuyện, giúp đỡ: Nhà phê bình Nguyễn Đăng Mạnh, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, nhà văn Đặng Thân, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nhà văn Nguyễn Quang Lập, nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Bình, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng…

Bài thơ: Bàn tay giả

Chúng ta cần gì ở nhau

Tôi tồn tại

Bạn tồn tại

Có thể tôi sẽ về bên kia thế giới trước bạn

Và bạn cũng có thể rời xa sự sống trước tôi

Có nghĩa gì

Chúng ta cũng chỉ như một hãng xe

Sẽ phá sản

Nếu không có kinh phí duy trì

Và người mua thấy một hãng khác tốt hơn

Tôi thực dụng

Bạn cũng vậy

Nếu một trong hai khác quan điểm sống

Thì tôi

Thì bạn

Chỉ xem nhau là những người bạn của trà đá

Của rượu

Của bia

Của cái bắt tay chiếu lệ

Thời chúng ta sống

Thời sung sướng nhất

Chúng ta có Internet

Có điện thoại

Có facebook

Có gmail

Chúng ta không sợ phải cô đơn

Nhưng chính điều đó khiến tôi sợ

Chắc chắn bạn cũng cảm thấy sự hoang mang đó

Ngày cứ trôi trên những phím chữ

Chúng ta cũng trôi theo những tin vịt

Chúng ta ít nhớ về quá khứ để vươn lên

Chúng ta nghĩ nhiều về tương lai

Nên những chất keo gắn ta lại với nhau dường như không có

Gắn ta với lịch sử chỉ là một hỗn hợp gồm sương mù và lòng thành kính

Chẳng bao lâu chúng ta han gỉ

Chúng ta cảm lạnh

Chúng ta lại xếp chồng nhau như những trang Kinh

Để Chúa minh họa

Cho những câu chuyện bâng quơ

Không bánh mì.

(Hà Nội, tháng 5/2013)

About hoingovanchuong

Nhà văn
Bài này đã được đăng trong 03.Chuyện làng văn, 04.Sự kiện và đối thoại và được gắn thẻ . Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

Bình luận về bài viết này