LỜI BẠT NHẠC SĨ NGUYỄN VIỆT ĐỨC

PGS. TS. Nhạc sĩ NGUYỄN VIỆT ĐỨC

NGUYỄN TRỌNG TẠO

  1. Nói đến Nguyễn Việt Đức là nhớ đến một nhạc sĩ thời đương đại, thời của chúng tôi. Hồi những năm 80 thế kỷ trước, cái người bộ đội Phòng không – Không quân yêu văn nghệ có thể trở thành người sinh viên sáng tác âm nhạc từ trung cấp lên đại học, rồi thành thầy giáo… Thời ấy, đời sống khó khăn nhưng Nguyễn Việt Đức cứ lăn vào học. Lăn vào đủ thứ. Từ những bài học âm nhạc mo-duya đến thủ pháp sáng tác, từ bài báo văn nghệ đời sống đến thuyết minh trận bóng đá… Và những ly rượu đam mê điệu nhạc với bạn bè trong tối sáng.

Nhưng cái mà anh hướng vào âm nhạc có ý thức từ sớm, âm nhạc là tất cả nhưng âm nhạc là của riêng mình. Ngay từ thời đầu, anh quan tâm đến những sáng tác mới và lạ của các nhạc sĩ, họ mang đến những phong cách mới, hơi thở mới, âm nhạc mới. Và âm nhạc của anh ở Huế ra sao? Vâng, Huế là chất quê bản gốc, kinh thành bản gốc, âm nhạc Huế độc đáo trong nhạc Việt. Đặc biệt là nhạc Huế buồn, đạt được rất buồn của Nam ai Nam bình, có một chữ chạy tám mươi ô nhịp, mà đến độ như thế thì “buồn đến thương hiệu buồn Huế”. Ngay cả những cơn mưa Huế ri rả mùa này sang mùa khác cũng trở thành “đặc sản” mưa Huế. Nhưng điều quan trọng hơn cả là tâm hồn của con người. Điều đó làm Nguyễn Việt Đức quan tâm đến chính mình và âm nhạc. Tôi nghe ca khúc Ngẫu hứng lý qua đèo của Nguyễn Việt Đức lấy cảm hứng từ điệu Lý Qua đèo hay còn gọi là Lý Hoài nam đậm đà chất Huế, không những được phát triển từ dân ca mà còn từ Tứ Đại cảnh hay trong bản Nam bình nên tính dân tộc, tính truyền thống trong tác phẩm được mở rộng. Vì vậy mà sáng tác đã tạo nên chất hiện đại, chất mới trong sáng tạo. Đó cũng là quan điểm dân tộc – truyền thống – hiện đại thấm đẩm Nguyễn Việt Đức ngay từ rất sớm.

Và ta thấy nhịp tim chân tình Huế trong những tựa ca của Nguyễn Việt Đức có thể ghép thành thơ:

Gọi mãi Thuỷ Thanh ơi
Hơi ấm dấu chân người
Gửi Huế thương yêu dấu
Huế – thành phố tôi yêu

Huế vào hè, Kỷ niệm
Nhìn ảnh Bác thổi khèn
Đàn nam Giao, Núi Ngự
Tang Tình Tang, Sông Hương
 

Góc riêng nào cho Huế
Nón… tóc thề, Phố khuya
Điệu Xlow gửi Huế
Thả đèn trên sông Hương

Tự khúc, Về thăm Huế
Ơi, Huế- nhịp phách tiền
Ơi, Ngựa ô thương nhớ
Đưa anh về… xứ Tiên…
 

Và khi nhắc đến đời lính, bao giờ Nguyễn Việt Đức cũng gắn bó với những bài ca người lính. Lính, đó là cuộc đời của anh. Lính là những thế hệ của bao người hiến dâng cho đất nước. Lính Trường Sơn, lính Trường sa, lính rừng lính biển, lính giữa lòng dân… Những gian khổ, vinh quang của đời lính luôn hiện lên sự lấp lánh trong sáng tạo của người nhạc sĩ. Tên mỗi bài hát là một ý thơ, một tứ thơ trào dâng cảm xúc cuộc đời. Và ta có thế ghép được bài thơ từ tên các bài hát của anh:

Một thoáng tình đầu, Cây phong ba Cồn Cỏ
Những câu hỏi bâng quơ, Một tiếng đàn
Con đường lát đá san hô, Đêm trên đảo…
Lính đảo hát tình ca, Còn mãi giữa lòng dân
 

Mặt trời nơi đầu sóng, Lời ca từ Trường Sơn
Bông mai vàng và anh chiến sĩ
Lời ca từ Trường Sơn, Hai tiếng đàn hai đất nước
Tâm hồn Nga giai điệu hoà bình
 

Giao cảm… lính, Mùa cau không hái
Nén hương cho đồng đội… Trường Sơn
Con đường lát đá san hô, Hoàng hôn đường biên giới
Trường Sa ơi xin hát mãi về anh

Nhưng mênh mông vẫn là cuộc đời. Từ ngây thơ đến chín chắn. Từ già dặn hay trẻ trung. Từ khôn ngoan đến dại dột. Từ yêu thương say sưa đến đau buồn thất vọng. Từ cay chua đến hạnh phúc… Từng cung bậc cuộc đời như luyện giũa đời anh. Anh trả lời bằng âm nhạc. Nghe nhạc của anh ta chia sẻ cuộc đời anh, ta vui buồn trong yêu thương con người gốc gác nhân văn. Đó chính là bài ca cuộc đời đã mang tới cho anh hay chính anh hiến dâng cho cuộc sống. Lướt qua những ca khúc của anh ta đủ thấy cuộc đời đi trong vô tận:

Chiều mỏng. Tìm chiều. Chiều tím. Có gì đâu?
Có bao giờ. Biển rạng
Cánh hoa mùa thu
Chuyện tình Đăckla
Điệu lý dòng sông. Em ở đâu. Gió muộn

Hai nửa mùa thu. Hải Phòng ơi. Hãy sống như mặt trời

Lá thu. Lời nước mắt
Niềm đau ngọt ngào. Mắt nhớ. Mặt trời xanh
Hoa Hồng đầu tiên. Hoa lúa
Quán trọ đời người. Thiên thần bé nhỏ.
Biển lỗi lầm
Bến tắm.
Thu xanh.

Làm sao quên?
Mắt biển thu
Mắt chiều
Mắt mưa
Mắt xuân
Sông Hàn mùa lan chín
Lúng liếng là lúng liếng ơi.

Ngày muộn với cúc quì
Còn đâu nữa ngày xưa
Chuyện tình quan họ
Tình yêu. Xin để nguyên như thế
Gió khát. Đêm mưa. Mắt nhớ. Lỡ làng…

Một đời tìm nhau. Khát vọng xanh. Gió khát
Biển lỗi lầm. Biển, sóng và em
Dòng sông mùa xuân.
Gió ban mê
Thiên thần bé nhỏ
Tiếng đàn rơi
Đêm nhớ
Nguyệt Hồ…

Trăng cao Nguyên. Hoàng hôn mùa đông. Làm mẹ làm hoa
Niềm đau ngọt ngào. Nhớ em. Mắt nhớ
Về lại tuổi thơ. Tình yêu. Và Nợ
Quán trọ đời người. Lời nước mắt. Và Mưa…(*)

2. Tôi nhớ đầu những năm 90 thế kỷ trước, có lần Nguyễn Việt Đức đã cùng tôi viết chung bài tham luận TÍNH ĐẶC SẮC CỦA ÂM NHẠC TRUYỀN THỐNG HUẾ. Đấy không chỉ là bản thảm luận hai tác giả được bà Giám đốc UNESCO mời dự cuộc hội thảo quốc tế trước khi Huế được công nhận là “Di sản Văn hóa Thế giới” (11.12.1993). Nhưng điều quan trọng là Đức đam mê nghiên cứu âm nhạc Huế. Một thời gian dài, tôi thấy Đức còn viết công trình nghiên cứu: Đàn ca Huế – lịch sử hình thành và phát triển, Hầu văn Huế… Những công trình ấy đã đưa nghiên cứu âm nhạc Huế trở thành cơ sở vững vàng. Thế rồi Đức học xong Đại học sáng tác âm nhạc, được giữ lại trường giảng dạy. Vừa sáng tác, vừa giảng dạy, vừa nghiên cứu sinh tốt nghiệp Tiến sĩ lại được làm Giám đốc nhạc viện Huế, được phong Phó Giáo sư ghi nhận cống hiến của mình. Nhưng sáng tác luôn là niềm say mê của anh.

Không chỉ sáng tác Thanh nhạc mà cón sáng tác về Khí nhạc. Không chỉ những bài khí nhạc đáp ứng chương trình học tập mà Đức còn say mê sáng tác cho mình. Chính vì vậy mà Đức cứ nối dài những tác phẩm khí nhạc của mình: Tốp đàn tranh Sắc xuân, Sonate piano Khát vọng, Tứ tấu Mắt biển, Biến tấu cho piano và violon Đêm thành phố, Symphony số 2 Nhật ký Trường Sơn, Symphony số 3 Quê hương, Giao hưởng thơ Người con gái đất đỏ, Hòa tấu dây Sông Hương ngẫu hứng hòa âm, Độc tấu đàn tranh và đàn dây 2007, Giao hưởng Sông Hương… Ta thấy những tác phẩm khí nhạc của Nguyễn Việt Đức đưa người nghe trở về với đất Huế yêu thương qua những giai tầng lịch sử và mộng mơ, qua giai thoại và hiện thực, qua dân gian và hiên đại. Tôi thấy Đức về sau càng thấm sâu vào chất Huế và mở rộng rộn rã vào chất dân ca miền núi, Tây Nguyên, dân ca miền Trung, làm cho âm nhạc phong phú giai điệu và tiết tấu trong giao lưu thời mới. Và ta thấy một Nguyễn Việt Đức đang hiện hình trẻ trung trong khí nhạc Huế, khí nhạc miền Trung.

3. Viết những lời tâm tình cùng Nguyễn Việt Đức khi anh quay lại với những tác phẩm của mình suốt cả thời trai trẻ, tôi như luôn bên anh. Bởi tôi trân trọng. Dù khi gần, khi xa… tôi vẫn tin anh một con người sáng tạo, tình nghĩa. Cuộc đời người nhạc sĩ phải là những bài ca bản nhạc để lại cho người. Và không chỉ thế, sự ảnh hưởng của mình và người cũng làm đẹp cuộc đời.

Chúc Nguyễn Việt Đức xuất bản tác phẩm của anh, mang lại niềm vui cho mọi người.

Hà Nội, 22.8.2018

_________

(*) Chữ trong các bài thơ là tên các Ca khúc của Nguyễn Việt Đức.

 

About hoingovanchuong

Nhà văn
Bài này đã được đăng trong 05.Phê bình-lý luận, 09.Âm nhạc CD, 12.Tư liệu, 16.Bài báo và được gắn thẻ , . Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

Bình luận về bài viết này