Nằm trong tiến trình hợp tác giữa Hội Nhà Văn Việt Nam với Hội Nhà Văn Ba Lan, một tập thơ tam ngữ của Nguyễn Trọng Tạo mang tên “Nến trắng” vừa được ấn hành gồm tiếng Ba Lan – tiếng Anh và tiếng Việt, nhân dịp anh và nhà thơ Hoàng Trần Cương sang giao lưu tại Ba Lan vừa qua. Tập thơ gồm 18 bài (2 nút 9) giao hòa thơ tình và thơ thế sự.
Khác với nhiều nhà thơ, thơ tình và thơ thế sự đều là điểm mạnh tạo nên tên tuổi Nguyễn Trọng Tạo. Chưa ai quên sự cố bài thơ thế sự “Tản mạn thời tôi sống” nổi tiếng mà anh phải gánh chịu nhiều trả giá từ đầu thập kỷ 80 thế kỷ trước. Cũng rất nhiều người mê đắm bài thơ tình lục bát có tựa đề một chữ là “Chia” được Phú Quang phổ nhạc (Một dại khờ một tôi) nồng men nhiều sàn diễn ca nhạc. Ở “Nến trắng”, Nguyễn Trọng Tạo tinh tuyển và bố cục rất khéo các bài thơ tình và thơ thế sự, dựng lên một ý tưởng nhân bản. Đó là cái nhìn của nhà thơ trước sự phai tàn dần dà của thế giới đầy biến động hôm nay. Yêu em thì trắc ẩn, yêu đời thì buồn sầu. Hóa ra ở dưới đáy của sự căng gồng trong những cơn say, Nguyễn Trọng Tạo đích thực gã si tình yếu đuối. Yếu đuối lắm mới tìm tới được ẩn dụ này: “Lệ giọt giọt trắng rơi/ Ôm em thân tròn/ Ngắn dần cột sống/ Tiếng chim sớm mai gọi anh thức dậy/ Em biến đi đâu/ Chỉ còn biển lệ …”. Nhìn lá rơi, anh vừa tránh được một tình khúc Pháp “Lá rơi” nổi tiếng, cũng thản nhiên đi qua cái nhìn tinh tế của “thần đồng Trần Đăng Khoa”: “Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng”, để xác lập thi ảnh riêng: “Tiếng lá nặng rơi như một xác người”. Ở đó, thính giác được khuếch đại tột cùng để thu được tiếng lá rơi khe khẽ. Anh nhân cách hóa tập hợp lá như bày đàn người: “Lá đông vui đơn độc”. Yếu đuối quá thôi. Thân phận quá thôi. Nguyễn Trọng Tạo cực nhạy cảm khi chạm vào chiều thứ tư của không gian – chiều thời gian, gây ra những câu thơ xung động chứ không uốn lượn hình sin: “Em mười chín tuổi nghìn năm trước” hay “Có cái chớp mắt đã nghìn năm trôi” hoặc “Cắt tóc thời gian/ Thời gian mọc lại/ Dài ra/ Ngắn lại/ Dài ra” và cả một bài thơ “Tội đồ của thời gian” hay “Chiều thứ tư của không gian”. Có lúc anh đắc địa trong chọn cách chơi của âm nhạc khi điệp âm từng đoạn cái chủ đề: “Tin thì tin không tin thì thôi”. Ấn tượng ấy nói lên thông điệp của người cầm bút: “Không thể không tin gì mà viết”. Tạo cũng thật buông thả khi chơi thủ pháp hội họa trong câu thơ siêu thực: “Tôi vẽ hơi thở em thơm tho lộc biếc” và chơi màu đen thuần thục như chơi màu trắng: “Đen và long lanh đã hớp hồn anh” như “Nến trắng thành tro/ Tro còn thắp sáng”. Vốn học toán phổ thông rất giỏi, Tạo còn chơi toán học rất ranh mãnh trong thơ. Cũng là phép chia nhưng chia cho 1 thì còn gì là chia. Bài “Chia” là như thế. Tạo chia cho 1 tức là cho tất cả chẳng đắn đo, chẳng như ai đó «chia ba phần tươi đỏ» làm gì để rồi phân vân nhiều ít. Bài «Số không» là bài ẩn chứa một ý niệm sâu sắc. Chính cái không có gì, cái vô thủy vô chung đã tạo ra toàn bộ thế giới đầy rẫy những vui buồn. Vẫn là những ngẫm nghĩ chênh vênh giữa hai hệ thập phân và nhị phân, bài thơ là cuộc chơi phức điệu giữa những xung động và giao động hình sin. Hình như ở đấy, có sự chia sẻ với Văn Cao: «Tôi không đi qua tôi/ Để lại gì?». Anh còn không khước từ cả tính đồng dạng giữa số không và vòng tròn: «Số không ôm gọn mặt trống đồng».
Từ những bài thơ gây dư luận năm 1978, hành trình 36 năm để đi tới tập thơ «Nến trắng» hôm nay là một hành trình nhẫn nại và tìm kiếm hết mình trên con đường thi ca mong manh nhiều bất ổn, Nguyễn Trọng Tạo đã tự dựng lên tầm vóc của chính mình khi đã có lúc bị dồn tới chân tường: «Cảm ơn chân tường đã cho tôi sức sống/ Cảm ơn tôi đã dựng một chân tường». Hình như ai đó đã nói, mọi bức tường đều có một cánh cửa để đi tới. «Nến trắng» là một bức tường mà không phải ai cũng có thể đi qua. Nhưng với người dựng lên nó, tôi chắc với Nguyễn Trọng Tạo đây lại là một cánh cửa để anh đi tới và dựng tiếp những bức tường mới.
Hà Nội, 11.2014